(Bài viết nhân kỷ niệm 62 năm thành lập Trường LHP Hà Giang)
Viết Ngày 19/5/2013 Tại TP Hồ Chí Minh
TG Phạm Đức Minh
CHS LHP Hà Giang Thập niên 1960 - 1970 |
1. Lời tự sự
của Cựu học trò LHP
Những ngày đầu
tháng 4 – 2013 tôi lên Hà Giang về thăm mái trường xưa, nơi tôi có nhiều kỷ
niệm với Thầy với Bạn. Trường LHP bây giờ đã khang trang nhà cao tầng, đứng
dưới cổng xưa của ngôi trường, những gian truân mà ngôi trường LHP cùng thế hệ
Thầy Trò thập niên 1960 – 1970 hiện về trong tâm trí.
Tìm gặp lại
những cựu học trò cùng thưở, những điểm bạc của tuổi lục tuần đã về trên mái
đầu của họ, nhưng khi nhắc lại những chuyện xưa, chúng tôi dường như trẻ lại
làm cả một góc quán rộn tràn lên những tiếng cười, những từ cậu, tớ, mày, tao
lại vang lên như lúc xưa còn đi học.
Tác giả
sau hơn 40 năm luôn trăn trở với hồi ức tuổi học trò, hồi ức đó thường hay đi
vào trong những giấc mơ, mỗi lần như thế không thể ngủ tiếp được, cứ mắt mở vô
định trong đêm, xa xăm tâm trí hiện lại những hình ảnh của tuổi thơ học trò ở
cao nguyên xa xôi vùng cực bắc tổ quốc.
Tôi kể lại cho
các bạn nghe những câu chuyện của thập niên 1960 – 1970 mà bản thân tôi
và các bạn khóa 1970 đã trải qua, những ký ức về ngôi trường LHP và Thầy Trò
thuở ấy gian truân vất vả như thế nào.
Tôi không là
nhà văn, nhà thơ, cũng chưa từng viết sách, viết truyện, nhưng sau chuyến đi
trở về đất Hà, trong tâm trí vốn đã dồn nén chặt những ký ức xưa bừng dậy. Xa
quê thường hay nhớ quê, nhất là khi tuổi đã xế chiều. Dẫu rằng con chữ bây giờ
đã lọng cọng, văn từ vốn cũng liên xiên, lưng hay mỏi, mắt đã mờ, Học theo nhà
văn, nhà báo thì không được vì “Lực bất tòng tâm”.
Kể những chuyện
của tuổi học trò thuở ấy là vì tâm huyết với trường xưa, nghĩ không chỉ là
chuyện sảy ra ở thập niên 1960 – 1970 của thế hệ học trò trên đất Hà Giang. Mà
đâu đó cũng là hình bóng, là ký ức của cả một thế hệ những học trò lục tuần
trên đất nước Việt Nam lúc bấy giờ, đâu đâu cũng gian truân vất vả cực khổ như
thế. Nên nếu có thiếu sót… mong đọc giả “nhẹ tay”
2. Trường Lê Hồng Phong Hà Giang khai sinh
Lội ngược về
nguồn gốc khai sinh trường Lê Hồng Phong Hà Giang. Trong chín năm kháng chiến
trường kỳ từ 1946 – 1954 Chính Phủ ta và Bác Hồ đang còn ở chiến khu, đã thành
lập sở giáo dục Việt Bắc và cho cán bộ ngành giáo dục thành lập trường Lê Hồng
Phong Hà Giang Ngày 16/11/1951.
Thế mới khâm
phục Đảng và Bác Hồ, trong lúc đất nước còn gian khổ khó khăn, đang dồn sức,
người sức của để thắng giặc Pháp và giành quyền Tự Do Độc Lập mà vẫn chăm lo
cho trẻ em trên chiến khu, Bác Hồ đã lo ươm mầm nhân tài cho nước Việt từ rất
sớm. Cho nên rất tự hào về tuổi của trường Lê Hồng Phong Hà Giang chúng
ta, so với toàn quốc Việt Nam
thuộc vào hàng nhất nhì, chúng ta có thâm niên và vinh dự rất cao.
“Thầy Nguyễn Mạnh Giao nguyên là hiệu trưởng
đầu tiên của trường Lê Hồng Phong năm
1951 Trích trong tư liệu 1996 Phim của Đài truyền hình Hà Giang” |
Khi mới thành
lập trường LHP ở gần chợ bây giờ nơi đây bây giờ là khoảng trên chợ Yên Biên
mới đường Nguyễn Thái Học (Chợ Yên Biên cũ ở ngay góc ngã tư Trần Hưng Đạo _
Nguyễn Thái Học). Ngôi trường LHP đầu tiên không tường bao, không có cổng
chỉ có hai lớp học sát mép lộ đường đi Ngọc Đường.
Nhà lớp không
vách, cột gỗ tròn thô, mái lá cọ, còn bàn ghế chỉ là những gỗ bắp ván đặt trên
các cọc chôn trên nền đất, cho học sinh làm bàn và cây gỗ nhỏ làm ghế cho học
sinh ngồi (Khi xẻ cây gỗ làm ván người ta
bỏ thanh ngoài cùng đi, thanh đó gọi là
gỗ bắp ván).
Nơi đây sau
khi trường sơ tán dời đi núi Cấm (1953) thì chỗ này buổi tối dùng để dậy Bình
dân học vụ cho toàn dân xóa nạn mù chữ và ban ngày thì dành cho trẻ em 5 tuổi
học lớp i tờ, còn gọi là lớp vỡ lòng. Để trẻ em biết chữ quốc ngữ, biết làm sơ
tính, chuẩn bị cho 6 tuổi vào học lớp một phổ thông (Hệ mười ngày trước), lớp này thời đó giống như lớp một ngày nay.
3. Khởi đầu tuổi thơ học trò
Năm 1958 -
1959 Tôi và các bạn cùng trang lứa được mẹ cho đi học i tờ mới nhập học sợ lắm,
những ngày đầu các bà Mẹ của chúng tôi còn phải ngồi ở hàng ghế cuối lớp cho
các con mình khỏi sợ và khỏi khóc, về sau đã quen chúng tôi tự đi học Cha Mẹ
không còn phải đưa nữa. Chúng tôi ngồi trên những bộ bàn ghế của trường nghèo
đơn sơ như thế, học những chữ ABC đầu tiên của học trò.
Không biết lý
do làm sao mà một thời gian sau chúng tôi dời sang chân núi Cấm vùng đất ở sau
di tích Kỳ Đài bây giờ, lúc đó hoang vắng lắm, toàn cỏ dại không nhà, không
người ở. Đây là nơi trường nơi LHP cũ
sơ tán (Hồi 1953) có bốn lớp học cột gỗ, mái lá, không có tường vách, bàn ghế
thì khá hơn không còn bàn gỗ bắp và ghế cây như bên trường cũ nữa.
Tôi còn nhớ
bốn lớp học trơ trọi giữa rừng cỏ hoang nắng nóng lắm, thầy trò phải khênh bàn
ghế vào trong Kỳ Đài học cho mát (Kỳ Đài
cũ cạnh trường lúc đó cũng chưa xây lại) học cũng chẳng nhớ được bao lâu,
thì lại phải chuyển lên lớp học ở Mã Tim ngay cạnh lô cốt Pháp ở chân cổng
tường thành Hà giang xây từ thời Pháp dùng để phòng thủ Thị xã.
Đoạn tường
thành từ Đồn Cao chạy vắt ngang qua lộ, nối vào núi Cấm ở đỉnh dốc đi cửa khẩu
Thanh Thủy. Còn cổng thành Hà Giang ở phía nam tường thành ở ngay đầu cầu Yên
Biên 2 chạy lên núi Cấm. Giờ lên núi bằng đường lộ mới mở thấy vẫn còn di tích
tường thành và những lô cốt Pháp thời xưa).
Như vậy lớp i tờ chúng tôi
ngày đó có một năm, mà di chuyển 3 lần. đầu tiên học trường ở chỗ chợ Yên Biên
(1) sang trường chân ở Núi Cấm (2) đến Trường ở chân cổng tường thành Đồn Cao
(3) còn bé thế mà cứ tự đi học thôi Cha mẹ không phải đưa đón gì cả.
Mà cũng bạo dạn lắm bé thế mà
dám leo lên núi Cấm thám hiểm và leo lên Đồn Cao, chui vào mấy lô cốt Tây để
chơi đánh trận giả. Mải chơi quá đã, quên cả hết giờ ra chơi, vào lớp muộn bị
thầy giáo đánh phạt. Mà không phải là đánh bằng roi hay thước kẻ đâu loại này
quá xoàng. Chúng tôi còn nhớ như in những trận roi đòn cũa thầy Tâm dạy chúng
tôi hồi đó.
Cho mãi đến
giờ cũng còn rùng mình. Thầy cho sắp một hàng những "Chiến sĩ vừa đi đánh
trận về" dùng cây roi song mà quất (đánh) (cây song làm roi làm ba toong
cho các cụ già chống gậy) bị đánh dữ vậy mà vẫn đi học tiếp, còn dấu không dám
méc Cha Mẹ để còn đi học mà chơi tiếp không ngán.
4. Trường Lê Hồng Phong xưa
Năm 1957
Trường Lê Hồng Phong Hà Giang xây dựng địa điểm mới, đó là trường ở vị trí hiện
tại bây giờ có cổng mới ở đường Trần Phú. Lúc đó là một ngọn đồi thấp đầy cỏ
lau, hoa Sim tím, cây đùm đũm, phải san đỉnh cho bằng phẳng mới xây dựng
trường. Con đường xưa đi học là con đường trục chính của thị xã nó không có tên,
nối dài theo đường Nguyễn thái Học qua cầu Suối Châu đi cầu Phát rồi vào Phú
Linh.
Con đường nhỏ quanh
co gồ ghề có hàng cây sâu Róm cao to bên đường rất râm mát, nhưng cũng hay rớt
Sâu Róm xuống đầu học trò đi học (Có lẽ
vì loại cây này có rất nhiều Sâu Róm nên gọi là cây Sâu Róm). Trường có
cổng trên ngã tư đường Lê Hồng Phong giao nhau với đường Nguyễn văn Cừ (Tên đường mới mở, mới đặt ngày nay) hồi
đó chưa có đường Lê Hồng Phong và Trần
Phú.
Hình vẽ minh họa Sơ đồ trường Lê Hồng Phong Hà Giang 1960 |
Không
có hình ảnh xưa nên tôi vẽ lại cấu trúc trường LHP hồi đó, nằm trên đồi cao leo
khoảng 20 bậc thang đất, Sau này mới xây gạch lát bậc, qua cổng trường
là những khối nhà to. Cột gỗ đẽo tròn bào nhẵn, lắp mộng gắn kết nhau, mái nhà
còn lợp lá cọ, tường Toóc xi - sơn vôi trắng (Là loại tường ép
dứng vầu lên thân cột gỗ kết buộc ô vuông nhỏ bằng lạt làm khung chịu bùn nhão
với rơm trét lên thoa cát cho nhẵn chờ khô rồi quét vôi lên).
Bàn ghế đã đúng theo chuẩn,
sân cờ trường rộng nhưng còn là nền đất, trường có sân vận động phía sau (phía Nam) rộng mênh
mông phẳng lì, thảm cỏ rất xanh. Cổ nhân có câu nói “Già được bát canh,
Trẻ được manh áo mới” huống chi chúng tôi có và được học trong ngôi trường
to đẹp thế này thấy thích lắm.
5. Học
trò bôn ba
Năm 1959 – 1960 học song i tờ chúng
tôi vào lớp một chính thức bước vào cuộc đời học trò, ngày ấy không có quần áo
đồng phục như bây giờ, còn nghèo ai có quần áo sao mặc vậy mà đi học thôi
và trường LHP trong ký ức chúng tôi lúc đó đẹp lắm.
Năm 1960 – 1961 học được hết lớp
2 thì lúc này trường LHP chia cấp I ra riêng nên chúng tôi chuyển học ở trường
mới dựng, trên nền nghĩa địa cũ của Thị Xã vừa giải tỏa sang nghĩa địa Trạm Chè
- cầu Trắng. Lối vào trường ngày đó thẳng hướng cầu Yên Biên về hướng núi Mỏ
Neo vượt qua đầu nguồn của suối Châu lúc đó còn sâu hủng chưa san lấp bẳng
phẳng như bây giờ, đi học phải xuống dốc suối, rồi leo lên đi thêm một đoạn dài
nữa vào trong chân núi mới tới trường học.
Ngày xưa con đường nhỏ này chưa
có tên, nhưng người dân ở xã An Cư (Tên của Thị Xã hồi kháng Pháp) gọi là
đường Nước Mắt có khi còn lấy tên đường Quy Tiên và ai cũng sợ không dám đi con
đường này, để sang thế giới bên kia, thế giói vĩnh hằng của đời người. Ngày nay
con đường này đã mang tên đường Trần Hưng Đạo. Học trò học ở đây sợ ma lắm, vì
là nền cũ của nghĩa địa mà.
Xung quanh trường còn rất
nhiều những huyệt mộ khi người ta giải tỏa lấy xác chết đi vẫn còn chưa kịp lấp
lại hết. Học trò chúng tôi dù là ban ngày ra chơi không dám đi xa, hay giả dọa
nhau đủ thứ ma. Ma Tây mũi lỏ mắt xanh (xưa nơi này thời pháp
từng chôn người Pháp chết) dọa ma Tàu làm Kinh Thi nhảy nhảy lè lưỡi, ma
chơi bay bay, “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, bị dọa ma sợ lắm, trẻ con mà,
nhất là bọn con gái sợ khóc re ré suốt bị thầy cô la miết.
Khi xong hết cấp I, chuyển lên
lên cấp II chúng tôi lại trở về trường LHP bây giờ, nhưng rồi tuổi thơ chúng
tôi chỉ học hành vui chơi thỏa thích được mấy tháng đầu của lớp 5. Thì đến ngày
định mệnh, đó là ngày Giặc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và
hải quân ra miền Bắc lần thứ nhất từ 5/8/1964 Lúc đầu chỉ ở khu
IV rồi chiến tranh lan dần ra phía Bắc.
Những năm tháng đó đất nước ta trằn
mình gánh chịu sức mạnh hung tàn của Đế quốc Mỹ. Toàn dân Việt Nam theo lời kêu
gọi của Bác và Trung Ương Đảng với truyền thống chống giặc ngoại xâm đã vùng lên
mãnh liệt giáng trả giặc Mỹ Ngụy những đòn mạnh mẽ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ
của nhân dân có biết bao kỳ tích làm cho cả thế giới phải cảm phục.
Trong văn thơ thường ca ngợi những
hình ảnh tuổi thơ học trò là đẹp nhất. Nhưng tuổi thơ học trò của thập niên
1960 – 1970 thì ngược lại, vì cuộc chiến tranh này, mà tuổi thơ học trò
chúng tôi có bao trần ai gian khổ, không văn bút nào tả hết. Nhớ lại năm 1965
chúng tôi tuy là học trò ở miền núi đó, nhưng mà là dân Thị xã nên chỉ nhìn lên
là thấy núi thôi chứ có leo núi bao giờ đâu.
Vậy mà bây giờ nghe Thầy Hiệu
trưởng bảo các em ơi, Mỹ tàn ác dã man quá, chúng ném bom xuống Miền Bắc chúng
ta rồi, Thầy trò ta phải dời trường tránh bom đạn, phải lên núi học thôi, rồi
tiếng của thầy sao nghe ngẹn lại và còn chúng tôi quá nhỏ để hiểu tiếng nấc nghẹn
đó.
6.
Thầy trò tan đàn xẻ nghé
Thế rồi học trò chúng tôi phải
chia làm hai phần Đông và Tây, Cách chia dùng sông Lô làm vạch. Vì phòng hờ
chiến sự sảy ra máy bay ném bom phá sập cầu Yên Biên thì học trò vẫn có trường
đi học. Hồi đó thị xã chỉ có một cây câu này bắc qua sông Lô và chỉ có hai trục
đường hai bên sông, nhà cửa chỉ tập trung nhiều trên đoạn trung tâm, còn ngoài
ra thì hoang vắng không có nhà cửa gì cả.
Các thầy đọc danh sách ai ở
nửa thị xã phía núi Cấm thì dời trường và đi học trên núi cây số hai đường đi
Đồng Văn, sẽ dựng trường trên núi ở khoảng khu vực qua Suối Tiên bây giờ. Còn
Ai ở nửa thị xã phía núi Mỏ neo thì dời trường và đi học trên núi cây số hai
đường đi Ngọc Đường. Lúc đó chúng tôi cứ tự hỏi. mà sao phải chia hai, sao
không học chung cho vui chứ.
Phải mãi nhiều năm sau chúng
tôi mới hiểu lý do này và thán phục thầy Hiệu Trưởng đã lường trước nhiều tình
huống, hoạch định nhiều kế hoạch vẹn toàn cho tương lai của chúng tôi. (Một
phút) Kính cẩn nghiêng mình trước người thầy Hiệu trưởng, bậc tiền bối của
trường LHP. Chúng em mãi biết ơn Thầy với cả tấm lòng thành kính tri ân, Thầy
đã đi xa mãi mãi.
Hình minh họa trên bản đồ
ngày nay là thành phố Hà Giang có dòng sông Lô chia thị xã làm hai bên phải Núi Mỏ neo (Đông) - bên Trái có núi Cấm (Tây) - Phía trên (Bắc) - phía dưới (Nam) |
Chúng tôi buồn
mà chia tay nhau vì từ đây bạn bè chia đôi ngả. Bật thành tiếng, khóc nhiều hơn
vì nhìn thấy ngôi trường của chúng tôi rất đẹp, rất khang trang, đã che chở nắng
mưa cho chúng tôi học hành. Mà nay trường phải tháo dỡ xuống để chúng tôi dời
lên núi.
Nhìn vật liệu
ngôi trường tháo ra thật to lớn nằm cao chất ngất giữa sân trường, ngôi trường
là kết tinh bao tâm huyết, bao tiền của công sức, của nhân dân góp lại, cho
chúng tôi có chỗ học hành nó quý giá đối với thế hệ trẻ thời ấy vô cùng.
Các em Học sinh
còn bé mà chuyển trường đi đâu chứ, với người lớn làm còn khó, thì những khuôn mặt
ngây thơ những đôi tay và đôi vai bé nhỏ như thế kia làm sao mà có thể chuyển
trường lên núi được, khi chuyển những vật liệu lên núi được rồi lại còn phải lắp
ráp trường lại thành lớp để mà ngồi học nữa.
Không có thợ
hay nhà thầu như bây giờ, tất cả chỉ dùng sức của chúng tôi. Mà ở tuổi chúng
tôi ngày đó, trẻ con thời bây giờ còn đang chơi đồ hàng, lắp ráp mô hình nhà
cửa. Vậy mà chuyển trường lớp thật, lắp ráp nhà thật nói như đùa vậy.
7. Tâm sự với cổng trường
Hôm ngày dời trường
đi các chúng tôi chia tay nhau buồn và khóc còn chưa vơi, thì giờ G đã điểm,
phải xuất phát đưa ngôi trường thân yêu lên vai, những bước chân bé nhỏ gồng
theo sức nặng ngôi trường, Chúng tôi lặng lẽ ra đi, cổng trường của chúng tôi
cũng buồn bã đứng nhìn theo.
Hẹn gặp lại
nhé Cổng trường ơi, ngày nào binh tàn lửa tắt chúng tôi sẽ lại đưa trường trở
về. Cổng hãy đứng đó làm chứng tích lịch sử tội ác của bọn giặc Mỹ đã gieo
những cực khổ gian truân lên thế hệ chúng tôi, nếu có bom rơi xin cổng đừng gục
ngã, hãy kiên cường lên.
Ngoài kia Cha
anh đang đổ xương máu trên chiến trường bảo vệ đất nước, thầy trò chúng tôi
cũng không được chùn bước trên con đường học hành, mai này còn tiếp bước cha
anh giành Độc Lập – Tự Do và xây dựng đất nước đất nước ngày hòa bình.
Riêng tôi và những
bạn bè cùng trang lứa, đâu có biết và cũng còn quá nhỏ để biết, những bước chân
ra đi ngày ấy là cũng những bước chân cuối cùng của học trò xa rời ngôi trường
LHP thân yêu. Vì khóa chúng tôi tốt nghiệp lớp 10 năm 1970 lúc trường đang còn
sơ tán rừng sâu trong Cầu Phát.
Các em học sau
tôi (Hình như là 1973). mới là thế hệ
đươc vinh dự đưa trường trở về kể lại. Sau Chín năm trường “Đi kháng chiến” (Từ 1965) những mái lá những cây cột,
những bộ bàn ghế sau bao năm đã hao tổn đi nhiều, những gì còn lại thật ít ỏi,
mang đầy thương tích, những vật liệu trường từ nơi sơ tán chuyển về, nằm nghỉ
ngơi giữa sân trường chờ các em tôi dựng lại.
Nó đã cùng
thầy trò LHP hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ đào tạo được 9 thế hệ học trò
lòng gang dạ sắt, ý chí siêu bền, những thế hệ đó đã kiêu hùng tung cánh bay,
góp phần viết những trang sử vàng làm lên kỳ tích giải phóng miền nam thống
nhất đất nước.
Hình minh họa Cổng (cũ) Trường Lê Hồng Phong
Hà Giang
|
Đây là hình cổng trường Lê
Hồng Phong Hà Giang (cổng cũ) phía bên đường Lê Hồng Phong và các em đại diện
cho thế hệ học trò của thập niên 60 - 70 mà ngày nay cổng và những học trò tuổi
thơ đó cũng lục tuần cả rồi.
Ngày nay qua bao năm rồi và
cho tới tận bây giờ cổng trường xưa đó vẫn còn, các thế hệ thầy trò LHP đã lấy
nó làm biểu tượng, tượng trưng cho tinh thần của thầy trò chúng tôi qua hai
cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều thắng lợi vẻ vang trong học tập rèn
luyện.
8. Tuổi thơ làm Thần đèn
Ngày chuyển trường
đi trên con đường qua cầu suối Châu (Nay là Đường Nguyễn văn Cừ) quang cảnh “Hùng tráng” lắm không có bức ảnh nào, cũng
không có thước phim nào ghi lại. Nhưng trong tâm trí những cựu thầy trò chúng
tôi thì không thể nào quên, chúng tôi giống như đoàn quân ra trận cũng khiêng cũng
vác giống như các anh bộ đội trong đoàn quân của Bác tiến vào Điên Biên Phủ
1954.
Các anh chị
lớn thì cột, cột nhà bằng dây vào hai đầu, bốn người khênh một cột, các em nhỏ
hơn hai người khênh một xà, nhỏ nữa thì vác rui mè, khênh bàn ghế, còn chúng
tôi nhỏ nhất (Mới lớp năm thôi mà) thì
khênh lá cọ, cứ hai đứa một, buộc vài túm lá cọ thành chùm dùng cây vầu “đòn
tay” xâu lá lên đòn khênh đi.
Trời ơi… cái
mấy chùm lá cọ to dài còn cao hơn cả chiều cao học trò chúng tôi nữa, không
khênh bổng lên được nên vừa đi cái hàng đuôi lá nó vừa lết xuống đường theo
nhịp bước cứ rèn xẹt, rẹt xẹt.., tiếng bàn ghế va lộc cộc, tiếng vầu, gỗ khua
loong coong, đội quân học trò chúng tôi hành quân đi trong tiếng nhạc lạ kỳ,
như một bản nhạc hòa tấu bất hủ.
Đoàn quân nào
cũng thẳng một hướng mà tiến, có chỉ huy có tiền quân hậu quân, có đoàn hậu
cần…. Còn chúng tôi lại không giống
đoàn quân nào cả, không có quân phục, không có hàng lối, không có chỉ huy,
không có tiền quân, không có hậu quân, cũng chẳng có hậu cần.
Trên đường
Nguyễn Thái Học quang cảnh lạ kỳ lúc "đoàn quân" đang tiến qua
phố xá làm bao người dân ngỡ ngàng? khi biết chúng tôi chuyển trường lên trên
núi ai cũng thở dài thương cảm mà nói với theo: Cố lên các cháu nhé và còn nghe
được họ nói với nhau. Tội nghiệp chúng nó quá còn bé thế mà sao khổ lại lớn
vậy.
Quân chúng tôi
đi tới ngã tư Yên Biên thì dừng lại đôi chút để chia tay, chúc nhau cố gắng học
hành… xong lại chia đôi ngả đường mà tiến. Nhánh đông đi Ngọc Đường, Nhánh Tây
đi hướng Suối Tiên Cây số hai đường đi Đồng văn
9. Dựng trường trên núi
Bấy giờ chúng tôi
theo nhánh học trò Ngọc Đường nên kể tiếp nhánh này: Ngày ấy khiêng vác vật liệu
tới chân núi, thầy Hiệu trưởng bảo chúng ta sẽ dựng trường ở trên kia, nhìn
theo hướng thầy chỉ chúng tôi thấy một con đường mòn vách đá dốc dựng đứng lên
trên núi cỡ 60 - 70 độ, nhìn thấy mà ớn lạnh, sởn gai ốc, tóc gáy chúng tôi cũng
dựng cả lên. Con đường này chắc do các tiều phu tạo ra.
Chuyện này là
thực đấy cái dốc đó cao lắm, Ai chưa đi leo núi, thì hãy tưởng tượng leo thang
cũng được. Thang như là cái dốc đó vậy, người nối đuôi nhau leo, thì mũi người
dưới chạm gót người leo bên trên, không có dây thừng chúng tôi phải tìm lấy dây
sắn rừng chắc và dẻo, Dây sắn loại này giống dây sắn nhà nhưng không có củ, nó
mọc bò lan trên mặt đất rất dài, dùng nó cột vật liệu lại kéo trường lên núi
cao cỡ 50 – 70m hay hơn nữa cơ chỉ áng chừng thôi không có ai đo để mà nói cao
chính sác bao nhiêu.
Trên đó có một
khoảng núi khá bằng phẳng cây cối rậm rì, dây leo chằng chịt nơi đây được chọn
dựng lên những lớp học của chúng tôi. Nhìn sườn núi cao và dốc như vậy nếu leo
lên người không thôi đã khó, đã ngoài sức lực của chúng tôi, vậy mà vẫn chuyển
từng cây cột, kèo, rui, mè, lá cọ lên cao trên núi thật là nguy hiểm khi té
xuống hay dây rừng đứt sẽ sảy tai nạn…, người và vật liêu rơi xuống thì … còn
gì?
Chúng tôi vừa mệt,
đói, khát… thế mà chẳng biết làm sao chúng tôi vượt qua được, không phải là một
lần như thế là xong đâu, mà biết bao nhiêu lần đi lại, về trường cũ khênh những
chuyến tiếp theo, về sau để tránh leo cái dốc nguy hiểm đó chúng tôi làm một
con đường khác đi vòng vèo tránh dốc tuy xa hơn nhưng bớt nguy hiểm vất vả hơn.
Lúc dựng
trường không có hậu cần như quân đội, dưới đường đi không quán ăn, hàng nước
như bây giờ, chúng tôi phải mang cơm nắm đi khi đói thì ăn (Bây giờ có ai còn biết cơm nắm, còn nắm và ăn cơm nắm nữa không nhỉ),
ăn song nếu khát thì uống nước suối, hoặc uống nước dây rừng.
Bạn có uống
bao giờ chưa, làm thế này nhé dao bén chặt một nhát vát séo thân vào cái dây
rừng to đường kính cở hai centimet, rồi ngửa cổ giơ đoạn dây rừng lên miệng,
chỉ chờ chút xíu là nó nhểu nước hơi chát, nhểu từng giọt hơi khó nuốt, sui thì
gặp dây ít nước chát xít, hên thì gặp dây ngọt nhiều nước, nuốt cho tới khi bớt
khát lại đi làm trường tiếp.
10. Tai nạn hãi hùng
Trong khi chặt
cây phá đá làm nền trường lớp cũng có nhiều tai nạn nguy hiểm. Còn bị rắn quấn
nữa thật là quá sợ, (Nói đến Rắn ư nhìn
thấy nó ở đâu thôi cũng hồn vía lên mây rồi). Câu chuyện rất thật là một
bạn của chúng tôi ngày ấy lúc dựng trường bị một con rắn quấn vào cổ, Sau này
mới biết đó là một con rắn ở trên cây rớt xuống.
Rắn ở núi đá
độc lắm, may mà chưa kịp cắn, bạn của chúng tôi nhanh tay giật được nó ra quăng
đi, nhưng nhớt nọc độc của nó phun dính lại trên gáy cổ, lúc đó trên núi không
có nước, không rửa được, cũng không có y tế chăm sóc, Bạn ấy chỉ lau sạch nhớt
dơ đi rồi lại làm trường tiếp. Ai dè sau đó nhớt nọc độc của con rắn rừng khủng
khiếp đó gây lở loét thối cả một khoảng thịt da trên gáy anh ấy.
Sau hơn 40 năm
gặp lại, anh ấy vẫn còn chưa lành vết tích khủng khiếp ấy, Anh buồn bã nói tai
nạn khủng khiếp hồi đó gây thương tích này đã đeo đuổi theo anh từng ấy năm, đã
bao nhiêu loại thuốc men, đã đi nhiều Bác Sĩ, khám chữa ở nhiều Bệnh Viện, bao
năm chữa chạy mà vẫn không hết, nên dành bỏ mặc chán chẳng thèm chữa nữa, mặc
cho nó hay lở lói, chảy nước vàng, đau buốt, nhức nhối.
Nghĩ lại thật
là một kỷ niệm của tai nạn rắn, ớn lạnh xương sống tận tới bây giờ. Không ai
mong sảy ra, không ai mong rơi vào mình. (Người
Bạn tôi kể trong chuyện này Tên là Thao học khóa 60 – 70 LHP nhà hiện giờ ở
Ngọc Đường)
Hình minh họa Rắn hổ mang, |
11. Tuổi thơ thách thức với rừng
Gian khổ nhiều
hơn khi thiếu vật liệu, ở trường cũ đã hết, còn trên núi đá tai mèo tại nơi dựng
trường không có vầu, lá cọ. Cũng không thể dở dang trường lớp, Thầy trò chúng
tôi lại phải đi vào rừng xa tuốt trong cây số bốn đường Ngọc Đường để lấy vầu,
lấy lá về thêm, làm cho hoàn thiện lớp học, cây vầu thì to và dài Ngày ấy
trường khoán một ngày một trò 6 cây và chúng tôi học trò lớp 5 cũng không ngoại
lệ. Thầy Cô bảo như thế và chỉ còn biết phải cố gắng mà thôi, (Không dám ý kiên, ý cò)
Lên tới chỗ có
vầu rất xa, phải vào sâu trong rừng rậm mới có vầu, phải chặt được cây tốt
trường không nhận những cây nhỏ cây non. Tìm ra và chặt nó đã khó, sức chúng
tôi lớp 5 còn nhỏ vác đi chỉ được một cây vầu thôi và vác nó rất vướng víu rất
khó, đường rừng thì ngoằn ngoèo dốc lên, dốc xuống, đầy cây dây leo chằng chịt,
khó quay trở khi chuyển hướng vì cây vầu dài hay vướng vào cây hoặc dây leo
xung quanh.
Các anh chị lớn
nhiều sức khỏe hơn thì đựợc giao lấy thêm lá xóa lợp mái lớp học, cây xóa giống
như cây song, người ta làm ghế bàn bằng cây xóa và song mây để xuất khẩu vì nó
đẹp và ngồi thoáng mát, khai thác lá của nó rất khó, nếu nó thấp (còn ít tuổi)
thì dùng cù néo (Chặt cành cây rừng dài có chạc ngã ba chừa lại một nhánh
ngắn 10 cm cái này gọi là cù néo) vít cổ nó xuống mà chặt lấy lá.
Nếu nó già đã
leo cao bám rất chặt vào các cây gỗ rừng bằng các tay dây có gai rất bén và mọc
ngược, chẳng may bị nó móc vào da mình thì giống như dính một hàng lưỡi câu cá
chỉ khác là không có ngạnh thôi, khi kéo phải 2 – 3 người mới lôi ngọn nó tụt
xuống được, chặt lá róc những hàng gai trên cọng lá đi thì mới được một tàu và
một gánh lá xóa có bao nhiêu tàu thì bấy nhiêu gian khổ.
Lấy lá xóa khó
vì thân cây xóa nhiều gai lắm, gai dầy đặc như lông Nhím, kể cả cọng và lá của
nó cũng có gai, khi khai thác bị gai đâm vô kể, đâm vào là nó gãy đầu gai nằm
sâu trong thịt thật là đau nhức buốt, nó đâm vào đau một, về nhà khều được đầu
gai ra đau mười, giống như bị tra tấn vậy, khai thác được nó không ai không bị
thịt rơi máu chảy, những gai đâm sâu không lấy ra được lâu ngày còn tạo những
sơ thịt mà ta hay gọi là mắt cá, nó gây đau đớn đeo đẳng theo ta từng bước đi
trong đời cho tới khi được cắt bỏ nó đi bằng một tiểu phẫu.
Khai thác được
gánh lá xóa về phải đan lại giống như người miền nam đan lá dừa nước rồi mới
lợp lên mái nhà, cách lợp cũng giống nhau chỉ khác bản lá xóa nhỏ hơn nên phải
lợp dày khít hơn, lợp lá xóa còn khổ hơn lá dừa nước nữa là cả khi lợp gai lá
còn chưa tha đôi tay của bạn... Bạn đã bao giờ ngồi dưới một mái nhà mà đâu đó
trên kia là máu là thịt của mình còn dính trên những hàng lá lợp chưa, những
cựu học trò LHP ngày xưa đã phải trộn máu thịt vào những con chữ của thầy cô trao
như vậy đó.
Hình minh họa Cây xóa, cọng xóa, Lá xóa, gai xóa |
12. Những hiểm
nguy trong rừng
Ngày ấy còn nhỏ lấy vầu
về làm trường và mới vào rừng lần đầu còn ngố lắm, có biết gì đâu. Vắt nó cắn cũng
không biết, hút no căng máu nó nhả ra lúc nào rồi cũng không hay, khi thấy chân
ngưa ngứa ngó xuống thấy bắp chân chảy máu tòe loe, chẳng biết bị làm sao, mấy
bạn có kinh nghiệm bảo đấy là chỗ bị vắt cắn đấy thì mới biết. Bạn đừng tin
rừng là đẹp rừng đầy tiếng chim kêu líu lo vượn hót lảnh lót này nọ…
“Cúc cu! Cúc cu!
Chim rừng ca trong nắng
Im nghe! Im nghe! Ve rừng kêu liên miên
Rừng hát gió lay trên cành biếc
Lao xao! Rì rào! Dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh
…” (Nhạc rừng –TG Hoàng Việt)
Im nghe! Im nghe! Ve rừng kêu liên miên
Rừng hát gió lay trên cành biếc
Lao xao! Rì rào! Dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh
…” (Nhạc rừng –TG Hoàng Việt)
Hình minh họa rừng |
Không có đâu. Đó chỉ là thơ văn và phim ảnh, hát hò thôi. Rừng
nhiệt đới pha hàn đới ở Hà Giang trái ngược. Xin kể rừng và những hiểm nguy của
nó cho các bạn nghe và thưởng thức nhé, Rừng Hà Giang lúc nào cũng ẩm ướt
nhất là mùa nhiều mưa. Trong rừng dưới mặt đất thì lầy bùn hoặc đầy lá mục ẩm
ướt, nếu là rừng trên núi còn có đá, nhất là đá Tai Mèo thì còn nhiều
nguy hiểm hơn khi phải leo lên khai thác sản vật trên núi đá tai Mèo (Đá nhọn và
rất sắc cạnh giống như tai con Mèo nên gọi là đá tai Mèo)
12 - 1. Vắt
Vắt (giống con Đỉa trên cạn) mình mẩy chúng
xám xịt, nhớt nhợt trơn tuột như lươn, Có ba loài vắt: Vắt xanh (Còn gọi vắt lá
là to nhất), vắt đen và vắt vàng. chúng bò lổn ngổn, dầy đặc như rá đỗ đen,
thấy bạn vào rừng là cả bầy lao lại tiếp đón bạn làm như chúng là chủ rừng rất
nhiệt tình và hiếu khách vậy, cái đầu nó thi nhau vươn lên, ngoắc qua ngoắc lại
đón chào, bò thoăn thoắt búng theo, chúng bắn mình lên xuống kiểu sâu đo,
vắt nó phi với tốc độ 1mét 2 – 1mét 8 /phút.
Nó đeo dính
vào bạn lúc nào không hay, có khi còn chui vào cả chỗ kín của bạn, nó hay khoái
chọn chỗ da mềm có khi còn là nơi cao như háng, bụng mình nó cũng chui vào
được, không chỉ một mà có khi đến vài con, nhát cắn nhẹ nhàng không cảm thấy
đau, cái miệng như cái giác hút đầy nanh nhỏ sắc, ghim vào thịt mình bơm chất
tê ngứa và chống đông máu trước rồi hút máu.
Khi thấy ngưa
ngứa, vương vướng, nhớt nhớt ở đâu đó… lúc tìm thấy nó thì máu mình đã kịp
chuyển giao cho nó một bụng no căng tròn rồi. Chúng bám dai và chắc đến mức,
con vắt khi đang hút máu dưới bụng, gà cũng không thể dùng mỏ kẹp để kéo bứt
ra. Giác hút của nó chắc và khỏe đền mức xuyên lủng được cả da trâu bò. Vắt nó
đang ngậm hút máu phải dùng một lực kéo trung bình 164g. có con chịu được lực
kéo tới 280g (Gần ba lạng)
Bạn đừng cuống
lên vội dứt nó ra, phải nhổ nước miếng (Bọt) vào nó cho nó tự rớt ra, hoặc thoa
nước tiểu vào để nó tự nhả ra, thì vết cắn mới không bị nhiễm độc. Vết cắn có
chất chống đông máu làm bạn cứ bị chảy máu hoài không cầm, kinh nghiệm phải tìm
kiếm mẩu lá khô dán vào giữ một lúc cho lá dính lại mới hết chảy máu. Còn vết
thương do nó cắn sẽ sưng ngứa cả tuần mà mới lành.
Hình minh họa con vắt |
12 - 2. Muỗi và Ong
Ngoài ra trong
rừng còn rất nhiều muỗi, mòng bay như vãi trấu vào mặt, tay chân bạn phải xua múa
thường xuyên như đang chơi Hit Hop, ấy vậy mà chỉ cần ngơi tay là mặt bạn sưng
lục cục liền. Còn có khi bị ong đốt nếu ong nhỏ lành (thường) thì chỉ sưng buốt thôi. Nhưng nếu đang rẽ cây đi trong rừng
gặp trúng cái gì giống bãi phân trâu khô treo lủng lẳng đâu đó dưới cành cây
tán lá, đừng ghé vào dòm dòm nhé mà hãy nhè nhẹ tránh xa, tuyệt đối không tò mò
chọc chạch gì vào nó.
Đó là tổ ong
Bò Vẽ đấy. Trên mặt tổ có nhiều lỗ cho ong ra vào hình dáng giống như cái đài
hoa sen nhưng to rộng khoảng 20 – 30 cm. Đụng vào tổ nó Bò vò vẽ to như cỡ cỡ
hột mít bay túa ra mà đốt con trâu, trâu còn lăn kềnh, Tây to thế mà còn chết
đấy Từng có nhiều câu truyện trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nhiều
trận đánh ta chẳng cần hao tốn đạn dược chỉ cho ong Bò vẽ xung trận đốt giặc
thôi ta cũng thắng to.
Hình minh họa ong Bò vò vẽ |
Còn bé đang đi
lấy vầu như tôi, nó mà đốt trúng một phát thôi kể như thì chết. Nếu đụng phải
nó tấn công thì bạn có chạy cũng không thoát, chỉ có ngay lập tức nhanh tay lẹ
dao pheng ngay một cành cây gần ngay đó, có nhiều lá càng tốt rồi múa tít lên,
giống như Tôn Ngộ Không múa thiết bảng như ý đánh nhau yêu tinh ấy, vừa múa vùa
rút lui, thì may ra thoát chết, chứ chạy "tay không... tấc cành cây bảo
vệ" thì chỉ cần một con nó sơi cho môt nhát thôi là đã vật xuống rồi.
12 - 3. Rắn
Rắn trong rừng
thì đủ loại nhưng sợ nhất là loài rắn Lục, nó xanh lè nhỏ bé chỉ bằng ngón tay cái,
dài chừng 50 – 60 cm, màu xanh lục của nó chen lẫn trong cành lá cây hóa trang
đồng màu của nó cực kỳ tinh sảo rất khó thấy, nó hay treo ngang tầm đầu, tầm
vai của bạn. Không nhận thấy nó, không tránh được, bị nó đớp trúng một phát,
nọc của nó vô cùng độc, cơ may rất cao bạn được lên bàn thờ ngắm đít gà không
lông, bị có cắn rồi cấp cứu cũng không kịp, có khênh tới đươc Bệnh viện thần
chết đã dịu dàng mang hồn bạn đi tới tận nơi xa đẩu đầu đâu rồi.
Hình minh họa Rắn Lục núp dưới cành lá cây đồng màu |
12 - 4. Sâu róm
Thỉnh thoảng bạn
còn gặp “Cảnh đẹp” cả bầy sâu róm rừng con nào con ấy to lông lá lồm sồm bò cả
đàn có đủ màu sắc. Chúng đang hành quân thành hàng dưới đáy những lá, hoặc bày
trận bạt ngàn trên cành cây hoặc dưới mặt đất có hàng hàng, lớp lớp hẳn hoi trông
hùng tráng lắm. Nhưng đừng coi thường không may va quệt hay đạp trúng nó đi rồi
biết... Kinh nghiệm mách nhỏ khi quệt phải sâu róm, đừng sợ bị con nào thì một
nhát đập cho nó lòi ruột ra lấy bôi vào
chỗ ngứa rát sẽ hết.
12 - 5. Lá Han
Bạn có biết
hay có nghe về cây lá han bí hiểm chưa nhỉ, Trong rừng Hà Giang có rất nhiều lá
này, trông nó rất bình thường, vì lá rừng nào chẳng giống nhau chúng là loại thực
vật tầm thấp lúp súp trên mặt đất ngang tầm ống chân, khuỷu tay bạn, chỉ khi da
bạn quết dính phải nó một quệt thôi, thì trời ơi buốt nhức như thịt bị xé ra,
cả ngày đau đớn vô cùng. C
Cái đau đớn
buốt rát ngang ngửa với dính phải lông sâu róm rừng. Có nước rửa cũng không hết
chỉ càng rửa càng đau đớn thêm mà thôi. Có câu: “Ngứa như phải lá Han”, khi chạm vào lá sẽ bị ngứa, rát lở loét và
buốt thấu da thịt. Lá thường mọc tại các bụi rậm, bờ sông, lạch suối, trong
rừng ẩm ướt. Khi không may bị Lá Han quật vào người sẽ bị ngứa rát đến sưng mủ,
buốt lịm không chữa trị sớm sẽ bị tử vong.
Hình minh họa cây lá han |
12 - 6. Cây sơn
Loại cây mà người ta khai thác nhựa về
làm sơn ta (Khác sơn công nhiệp là chế phẩm hóa học), Khai thác nhựa giống như cạo mủ cây cao su, mủ sơn đem về mới chế
tạo ra sơn, gọi là sơn ta dùng sơn tượng trong các Chùa Chiền rất bền chắc, màu
sắc rất đẹp.Chỉ cần đi ngang phải cây sơn cho dù không chạm vào và không chặt
phải nó, thì cả người nhất là mặt mũi bạn cũng bị sưng vù sốt cao hay mệt lịm
người nếu nặng còn lở loét cả tuần mới tạm khỏi
“Sơn
ăn tùy mặt ma bắt tùy người” câu này với nghĩa thực là ý nói cây này đấy, (Còn nghĩa bóng thì khác) những ai không
bị sơn ăn thì mới làm nghề lấy mủ sơn được. Nhưng khổ nỗi ai nào đâu mà biết,
cái mặt ta có bị nó ăn không, chỉ khi bị nó ăn rồi mới biết, mặt sưng vù nứt
thịt ra chảy nước vàng dầm dề, sần sần sùi sùi ghê lắm (Còn riêng tác giả bài này thì đã từng được thưởng thức bị sơn ăn rồi).
Hình minh họa cây Sơn
|
Hình minh họa sơn ta trong các Chùa Chiền rất đẹp, bền chắc.
|
Hà giang nhiều
cảnh đẹp và hùng vĩ … Khi lên Hà Giang đi du lịch Bạn còn có muốn đi vào rừng
dạo chơi không?. Nếu bạn chưa trải qua (Rừng
Hà Giang), rồi đặt thử mình vào hoàn cảnh những học trò lớp 5 (Hệ mười ngày
trước lớp 5 là 10 tuổi) không có kinh nghiệm về rừng mà phải lặn lội lấy vầu
trong rừng với bao hiểm nguy thì sẽ như thế nào?.Nếu bạn còn vẫn quyết đi trải
nghiệm thì cho bạn lời khuyên: Bạn hãy tìm một bác tiều phu dày kinh nghiệm làm
hướng đạo. Đồng thời nhớ trang bị đầy đủ các đồ nghề theo “cẩm nang đi rừng” đã
xuất bản ấy nhé.
13. Bị ma vầu rượt bắt
“Sạo” Nghe đủ thứ
Ma nhưng chưa nghe Ma Vầu bao giờ. Tôi bị rồi mới biết và kể bạn nghe sau khi
tìm và chặt được đủ 6 cây rồi vác dần ra cửa rừng, vừa đói vừa mệt cảm thấy như
cây vầu đã trở lên nặng hơn. Chỉ còn cách phải vác chuyên (Vác nhiều lần) vì chúng tôi còn nhỏ không đủ sức vác một lần 2 – 3
cây được, nếu vác ra khỏi rừng hết rồi, thì còn phải vác theo đường bộ về tới
trường cách 2 cây số nữa, rồi mới lại vác lên núi, khi nào tới nơi trường đang
dựng bàn giao cho Thầy Cô đầy đủ số lượng và chất lượng cây rồi thì mới được
chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ của một ngày ấy.
Hình Minh họa sau hơn 40 năm về lại, mới chụp được nơi chúng tôi lấy vầu ngày xưa. Bây giờ đẹp lắm đã phát triển thành phố xá, có nhiều nhà cửa rồi. có đường Beton Ximent nữa. |
Mãi khoảng 18 giờ
tối mới vác ra đường đựơc 4 cây, còn hai cây nữa đã chặt rồi để trong rừng chưa
vác ra được. Miền núi trời mau tối hay có sương mù, Tôi ngồi nghỉ một chút lấy
lại sức, rồi còn đi vác nốt hai cây vầu còn lại trong rừng sâu ra, xung quanh tôi
bạn bè và các anh chị đâu hết cả, không gian vắng lặng, tiếng chim rừng khởi hành
đi ăn đêm hú nghe hơi rờn rợn.
Lúc đã bớt mệt
tôi liều mình dấn bước quay trở lại rừng sâu, dưới chân bùn nhão chóp chét, con
đường mòn đã mờ dần trong bóng tối, lại sên, vắt, muỗi mòng… bu lại chúng tấn
công tôi không thương tiếc. Có lẽ chúng quyết làm bằng được làm bữa tối trước
khi đi ngủ đây…
Mặc chúng nó tôi
cứ bươn tới, cố dấn theo con đường còn lờ mờ ánh sáng, trời không trăng cũng chẳng
có ánh sao. Con đường trong rừng đầy các lân tinh to nhỏ đủ cỡ đã bắt đầu sáng
ánh lên huyền bí nhấp nháy lấp lánh như mắt của những con Ma đủ hình dạng lấp
ló đang tò mò dòm dõi, tôi biết là lân tinh thôi nhưng cũng thấy rợn cả người.
Hình Minh họa Vật dụng có pha lân tinh phát sáng |
Cố tìm tới
được chỗ để hai cây vầu, tôi vác một cây (Vì
không thể vác được cả hai chúng nặng quá) còn một cây cũng không thể bỏ lại
và vì không còn thời gian, tôi nghĩ ra cách buộc đầu cây vầu bằng dây sắn, rồi đầu
dây kia cột vào ngang thắt lưng để kéo lết nó trên mặt đất. nhờ đất rừng trơn
ướt tôi cũng vừa vác một cây, vừa kéo một cây, vừa lết đi tới khá dễ dàng.
Cực khổ vậy
đấy nhưng tôi quyết chí hoàn thành chỉ tiêu giao của nhà trường. Bấy giờ cả khu rừng giờ đã tối mịt,
vắng lặng im lìm, chỉ còn tiếng thở phì phò của thằng bé lớp 5 vang lên trong
khu rừng vắng, đang cố sức hì hục vác và kéo hai vây vầu.
Bỗng cái bóng gì
to đùng lướt sát bên cạnh xà… xoạt… hịch…ối trời ơi, hồn vía lên mây. Chẳng biết
ma rừng, hay thú dữ hay gì nó vồ tôi, hoặc có phải may khi nó phóng vướng phải
chằng dây leo giật nó lại, có kịp nhận thấy nhìn thấy gì đâu tối quá rồi mà.
Tôi hết hồn
xanh mặt quăng cây vầu xuống, bỏ chạy thục mạng mà quên cả cây vầu còn buộc kéo
nơi thắt lưng, khi tôi chạy kéo nó phi theo nghe roàn soạt lại càng sợ tưởng
con gì nó đang lao theo, Rồi khi bất chợt nó mắc vướng lại đâu đó, nó ghị tôi
không phi được nữa cứ tưởng con gì đó đã bắt được mình.
Tay tôi cầm dao theo phản xạ múa chém về phía sau (Y như phim chưởng Hồng Kông) may mà một
phát trúng ngay sợi dây sắn buộc cây vầu. Tôi không còn dính với cây vầu nữa
nhưng theo đà đang ghị căng để tháo chạy, khi dây bị chém đứt mất đà làm tôi té
nhào mấy vòng, phước ông bà ông vải ban cho, may mà chỗ đó không có cọc hay gốc
cây ngầm nhô lên đâm xuyên vào người.
Tôi lồm cồm vùng
dậy chạy phải nói là chạy như bị ma đuổi thì mới đúng, chắc có ai bị ma đuổi
cũng chạy giống như tôi lần đó vậy mà thôi. Ba hồn bảy vía bay đâu mất. hi…bạn đã
bị ma đuổi lần nào chưa. Phi thân và cố bươn chạy ra khỏi rừng, khi ra tới được
đường lớn.
Mới tạm lấy
lại ba phần hồn, thì tôi chắp tay lậy cảm ơn trời đã thương tình, vì vẫn còn
sống và con gì đó nó không đuổi kịp và bắt con ăn thịt. Tôi cũng không dám quay
vào, đổi mạng lấy 6 cây vầu nữa, bỏ hết tất cả vầu vì đi, Tôi lếch thếch đi bộ
một mình 6 cây số và khoảng 21 giờ tối mới về tới nhà, về sau kể cho ai nghe tôi thường kết luận hóm hỉnh
là “ma vầu” rượt bắt.
Bơ phờ tơi tả
về tới nhà Mẹ tôi và cả nhà đang lo lắng chờ bên mâm cơm nguội ngắt. Nghe tôi
kể lai chuyện lấy vầu, bị con gì đó vồ hụt thì mẹ tôi cũng thầm khấn vái và cảm
ơn trời đã phù hộ cho thằng con giai bé nhỏ của Mẹ đã tai qua nạn khỏi. Mẹ
khuyên tôi cực khổ nguy hiểm vậy con có chịu nổi không hay là nghỉ học một vài
năm xem sao. Tôi không chịu và vẫn muốn đi học tiếp với bạn bè.
14. Học làm đặc công
Nhưng nếu đi học
thì phải làm trường, mà sau cái vụ bỏ vầu và không có vầu giao thì lo Thầy Cô
phạt. Tôi tìm gặp vài bạn thân cùng phố Nguyễn Thái Học lúc đó thì hóa ra cực
quá ai cũng ngán và sợ giống tôi, nên chúng tôi lén lút qua trường nhánh bên
cây số 2 đường đi Đồng Văn để điều nghiên làm giống như đặc công của bộ đội ấy.
Qua đó thấy đường
đi lên núi tới trường cao hơn và xa đường lộ hơn nhưng dễ hơn lên hơn vì không dốc
lắm, cũng không có đá tai mèo như núi Mỏ Neo bên này, đường lên trường trên núi
còn qua đi rừng, lội dọc theo một suối to con suối này khi chảy xuống tới gần
lộ nó tạo thành một cái thác đổ nước rào rào trắng xóa rất thơ mộng, tắm ở đây
chắc hẳn là khoái lắm đây. chả bù cho nhánh bên Ngọc Đường là núi khô không có
lạch nước nào.
Các bạn chúng
tôi đang hò dô ta dựng cột lớp học trên núi dưới những tàng lá rừng già cao to,
khu rừng này bằng phẳng mát mẻ, sau trường là phía sân bay Phong Quang còn có
một khu rừng lớn ngập nước, quang cảnh giống như rừng tiên cảnh đẹp lắm suối
rất trong, róc rách chảy len lỏi qua những tàng rễ cây đan xen với nhau ngoằn
ngoèo uốn lượn. bao quanh những tác phẩm đá rừng hình dáng kỳ dị nhấp nhô trong
suối tự nhiên rất đẹp. (Ngày nay các tay
chơi non bộ muốn có để chơi phải dùng rất nhiều tiền mới mua được).
Rừng mọc trong
nước lại không ngập nước, nước không bùn đất không sâu, rất trong và mát không có
cây to, chỉ toàn là các thân cây nhỏ vươn thẳng lên rất đều giống như rừng cây đước
ở Miền nam, cho tới giờ tôi cũng không biết nó là rừng cây gì? Mà đẹp vậy chúng
tôi lội qua cánh rừng nước này thì thấy một vùng đất trống bằng phẳng lắm, có
ruộng, có dân chắc là người dân tộc họ làm ruộng trồng lúa nước.
Sau này nghe
nói đây là dải đất cuối của cao nguyên Phong Quang nơi đây chỉ đi vài cây số
nữa là tới sân bay Phong Quang của Pháp ngày xưa, sân bay cao nguyên này rộng
khoảng 4km x 12 km, bề mặt mọc toàn cỏ củ ấu, loại này thân cỏ mịn hoa có màu
tím. Cao nguyên này bẳng phẳng tự nhiên không cần cải tạo, máy bay của Pháp có
thể lên xuống dễ dàng. Nhớ ngày còn học lớp 3 – 4 chúng tôi đã được trường tổ
chức cho đi lên đó cắm trại hè rồi phong cảnh trên đó đẹp lắm.
Thám hiểm phía
sau xong khi quay về trường thấy cạnh trường còn có một núi đá cao có nhiều
hang động Chúng tôi gặp những bạn học bên này họ đã đi thám hiểm rồi, nói bên
trong đẹp lắm, (Sau này học ở đây chúng
tôi đem theo đèn Pin chui vào thám hiểm quả là thấy rất đẹp có rất nhiều nhũ đá
với nhiều hình dáng cực kỳ kỳ thú). Mấy bạn chúng tôi bên này nghe chuyện
nói bên đó cực quá, sang đây thử xin thầy cho học bên này đi chắc các thầy đồng
ý cho mà.
15. Suýt vuột mất tương lai
Ba
bốn đứa chúng tôi đánh liều xuống Ban Giám Hiệu ở căn nhà gần đường lộ chúng tôi
run rẩy, ngại ngùng trình bày và xin xỏ. Các thầy cũng ái ngại cho tuổi thơ học
trò nhánh bên kia quá cực (Nhánh trường
Ngọc Đường), nếu nhận thì sẽ làm tiền lệ cho những trò khác, mà nếu không
nhận các em bỏ học sẽ mất nhân tài cho đất nước.
Hơn nữa chiến
sự leo thang lên tận đây, máy bay Mỹ phá sập cây cầu Yên Biên huyết mạch thì
sao các em qua đi học được. Sau hai ngày hồi hộp chờ đợi bốn đứa chúng tôi được
nhánh trường bên này nhận vào học. Mãi sau chúng tôi mới biết hai nhánh trường
Ban Giám Hiệu cùng gặp bàn bạc và nhất trí cho chúng tôi học bên này, nếu có
chiến sự thì vẫn nhận về bên kia đi học, cũng nhờ quyết định này trong đó có
thầy Hiệu Trưởng sáng suốt chỉ thị mà cuộc đời của bốn chúng tôi thay đổi.
Sau khi được Ban
Giám Hiệu chấp thuận, chúng tôi lại nhập vào đoàn quân “Thần đèn” của trường
cùng các bạn xây dựng trường trên núi. Trường bên này về vật liệu thuận lợi
hơn, chỉ dùng nhiều lá cọ cũ của trường, nếu thiếu thì cắt thêm cỏ tranh ở rừng
cỏ gần trường, chẻ vầu đan thành phên lá lợp cho đủ mái, còn cột kèo lớp học
mang từ trường cũ lên chỉ đủ làm nhà cho Ban giám hiệu và giáo viên ở gần lộ.
Còn trường
trên núi vât liệu khá nhiều chỉ khai thác xung quanh trường, vùng này hồi đó
hoang sơ rừng già nguyên thủy có nhiều cây to cao, vầu, nứa nhiều rất sẵn và dễ
khai thác. Chúng tôi chỉ chặt lấy nhũng cây bên dưới những tàng cây cổ thụ, rồi
kéo rút ngọn xuống, khi không có ngọn
cây khô sẽ không bị máy bay địch phát hiện.
Bốn đứa trẻ chúng tôi ở cùng một phố ngày đó về sau: Một đứa đi bộ đội rồi đi học trường sĩ quan cao cấp về là Trung Tá giữ chức vụ thị đội trưởng của tỉnh HG. Một đứa vào học Đại Học Dược Khoa Hà Nội cũng về HG nhà làm trưởng khoa Dược BV tỉnh Hà Giang.
Hai đứa còn
lại về học ở miền xuôi rồi cùng đi bộ đội 1971. Khi miền nam giải phóng 1975
thống nhất đất nước. Hoàn thành nghĩa vụ Quân Đội hai đứa cùng thi vào Đại hoc
Y Khoa Sài Gòn năm 1977 bạn tôi đậu rất cao 29/30 điểm trên 3 môn nhưng vì nặng
tình nghĩa quê hương, Anh trở quay về Hà Nội theo học nghành luật pháp trở
thành một cán bộ lãnh đạo trong Ủy ban Thị Xã. Còn Tác giả đậu vào Đại Học Y
Khoa thành phố Hồ Chí Minh sau tốt nghiệp BS làm việc ở một Bệnh Viện lớn trong
Thành Phố Hồ Chí Minh
16. Ngôi trường chiến Khu
Công sức nhọc nhằn
chúng tôi bỏ ra đã có kết quả, trường lớp chỉ là những cây rừng gắn kết lại, lá
cọ thì mang ở trường cũ lên lợp lại, nghĩ lại hồi đó chúng tôi giỏi thiệt, chỉ
là trẻ em cấp II thôi (Các Anh chị các
lớp cấp ba học ở chỗ khác) mà đã cất được không phải là nhà bình thường mà
là cất cả một ngôi trường học, với nhiều lớp rải rác trong rừng núi giống như
các anh bộ đội ở chiến khu.
Trường còn có
tạo cả sân cờ dưới những tàng cây to để dùng làm nơi chào cờ thứ 2 đầu tuần.
Thế rồi chúng tôi bắt đầu đi học, một đoạn đường đi bộ dài hơn gấp hơn 10 lần
so với trường lúc chưa sơ tán. Chúng tôi phải dậy sớm 4 giờ sáng đi bộ tới
trường xa, mùa đông áo lạnh mong manh, gió rét lùa cắt da thịt, vừa đi vừa run
lẩy bẩy, vừa hít hà.
Những ngày mùa
đông khi chúng tôi đi học leo trên núi đi vào lớp học phải lội dọc theo lòng suối
nước tới trường vì lòng suối khá phẳng, nhưng nước suối mùa đông giá buốt, lòng
suối nhiều đá, cảm như bị rụng mất cả đôi chân, nhớ hồi lên điều nghiên để xin
sang đây cứ bảo là lội suối thơ mộng bây giờ vỡ mộng thơ thế này mói thấy thấm
thía nỗi cực khổ học trò mùa đông trên núi là như thế nào.
Về sau thầy
trò chúng tôi phải phá đá bằng búa tay, đào đất núi san sẻ một con đường mòn
men theo bên bờ suối để vào trường, không còn phải lội theo lòng suối như lúc
đầu nữa. Hà Giang hay có rét độc, rét hại, học mùa đông giá rét ngồi trong lớp
trên núi nghe thầy giảng bài có phụ họa thêm tiếng hú kêu hun hút của gió bấc,
lớp học không tường vách che gió và mưa phùn, rây rây bay vào ướt lạnh trắng
mái đầu của thầy trò chúng tôi, ai cũng lạnh run, thầy trò cùng gồng chịu.
Thương nhất
các thầy cô giáo khi mà lạnh đến mức Hôm nay Thầy (Cô) sẽ giảng cho các em bài
“hừ hà..hừ, lạch cạch” bài giảng mà chỉ có chúng tôi được nghe, vì lạnh quá
Thầy rên và hai hàm răng va vào nhau phát lên tiếng kêu đó. (Nếu không hiểu và không tin và cũng không
lên Hà Giang thưởng lạnh vào mùa đông được, bạn hãy vào kho đông lạnh, hay đi
băng đăng mặc áo phong phanh “thưởng thức” thì thế nào bạn cũng tự giảng bài “hừ hà...hừ, lạch cạch”).
17. Tuổi thơ đi học thời bao cấp
Những người lớn
ai cũng đã từng trải qua thời kỳ bao cấp, nhất là thời kỳ bao cấp song hành với
cuộc chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ bắn phá ra miền Bắc lần thứ nhất. Mọi
tầng lớp xã hội đều tất cả vì tiền tuyến, đều thi đua làm việc bằng hai bằng
ba, không vụ lợi, không có tham ô móc ngoặc, ai ai cũng tiết kiệm. Chúng tôi
thời đó làm gì có xe đạp mà đi, nhà ai có xe đạp cũng giống như đại gia có xe
hơi bây giờ và đâu phải nhà nào cũng mua được.
Lúc đó cả nước
mình còn nghèo mà lại còn dồn sức của sức người cho chiến trường. Việc quản lý
xã hội rất chặt chẽ, lý lịch khai cũng rất kỹ ở nông thôn còn kỹ tới mức khai
cả nông cụ sản xuất cái cầy cái cuốc, ở thành thị nhà nào có xe đạp thì đăng ký
biển số như đăng biển Honda, Xe Hơi bây giờ. Có đài nghe thì cũng phải đăng ký
đài, tuyệt đối tránh nghe đài địch tuyên truyền chống phá cách mạng.
Ăn gạo tổ tiêu
chuẩn còn bớt lại mổi bữa một nắm gạo cho vào hũ, không phải là tiết kiệm để
dành đâu, mà gọi là “Hũ gạo nuôi quân” tự giác bớt ăn mà góp, nhà nào cũng vậy,
chẳng có ai phàn nàn, kêu ca, mà còn rất vui vẻ sẵn sàng làm bất cứ công ích gì
khi Chính Phủ yêu cầu, thậm chí những vùng bom đạn ác liệt nhân dân còn sẵn
sàng phá dỡ nhà cửa của mình để lấp đầy hố bom cho xe Bộ đội ra chiến trường.
Hồi đó ở Hà Giang
cả muối cũng phân phối, thịt cá thì là giấc mơ vì là món xa xỉ, mỗi tháng cả
nhà chỉ có tem phiếu thịt mấy lạng thôi, Có nuôi được Lợn (Heo) thì không được
giết thịt hay bán tự do, phải đem cân bán cho nhà nước, để nhà nước bán phân phối
lại cho dân, ngoài chợ tuyệt nhiên không có hàng thịt tư nhân nào, quán phở chỉ
là sợi mì không phải là sợi gao đâu giống phở chay vì không có thịt (Còn gọi là
láy là phở không người lái).
Đến cả rau
muống là loai rau quá đỗi bình thường thôi, khoán nghĩa vụ trồng cho mỗi nhà
tháng mấy kg phải trồng hái, luộc lên mà đem phơi cho khô ép thành bánh làm
lương khô cho Bộ đội, mỗi bát cơn ăn lúc đó có canh rau muống cũng phải ăn dè,
một và cơn chỉ được có một cọng rau muống nhỏ. Bữa cơm có miếng thịt tiêu chuẩn
theo tem phiếu ăn thì sung sướng như bây giờ ta ăn tiệc vậy.
Còn quần áo
vải vóc thì cũng có tiêu chuẩn, cả một năm có một bộ áo quần vải thường thôi,
đồ thường ngày mặc còn không đủ, thì làm gì có đủ áo lạnh vừa đẹp vừa ấm cho
học trò mặc đi học như như bây giờ. Cái rét của Hà Giang ai đã lên và đã một
lần thưởng thức mới thấy sợ, da thịt cứ tê ngắt, môi tái nhợt đi trong gió
lạnh, có những ngày lạnh dưới không độ C, da tay chân không còn cảm giác nữa,
có ngắt có véo cũng chẳng thấy đau, chúng tôi đi học cũng không có và chưa bao
giờ có nghỉ đông (Chuyện nghỉ đông của
học trò bây giờ như thường ngày ở huyện thôi, rét 5 – 6 độ là trường cho nghỉ, ở nhà nằm máy sưởi
rồi ).
Cuộc sống cực
khổ và khó khăn vậy đấy nhưng chúng tôi cũng không trốn học bao giờ, rất chăm
chỉ học, lúc đó thị xã tuy có máy phát điện cho khu trung tâm buổi tối, nhưng
những năm khó khăn tiết kiệm xăng dầu cho chiến trường nên thị xã không chạy
máy phát, không có điện tối chỉ dùng đèn dầu soi trang sách học thôi, vì buổi
chiều có được nghỉ học là phải giúp gia đình, đi tăng gia làm nương rẫy, trồng
thêm Ngô (Ngô: Bắp say làm mẻn mén: Đồ ngô như đồ sôi), khoai (Thái sợi vuông),
sắn (Nạọ bào thành sợi) trộn với phần gạo ít ỏi nấu lên gọi là cơm độn,
ăn cho no mà đi học, ngày đó đất hoang ở thị xã nhiều, khai khẩn tự do quá dư
đất cho dân số ít ỏi, chỉ không có sức mà khai phá đất làm nương thôi.
Nếu không đi
nương thì rủ nhau lên núi Mỏ Neo, vào rừng cầu Phát hoặc ra bờ sông (Chỗ cầu Yên Biên 2 bây giờ) lấy củi về
đun, lấy được dư thì gánh ra chợ mà bán được một đồng một gánh, mang tiền về
góp cho Cha Mẹ, nếu Cha Mẹ có thương mà cho không lấy, thì chúng tôi rủ nhau ra
hiệu sách phía bên kia cầu Yên Biên I mua sách như sách vật lý vui, các phát
minh khoa học…còn truyện thì mấy đứa trẻ cùng phố cùng sở thích, là mê lắm
truyện Tam Quốc Chí, truyện Tôn Ngộ Không và Thủy Hử mà những loại truyện này
đắt lắm.
Chúng tôi
thường rủ nhau hùn hạp mới đủ mua một cuốn truyện, rồi cùng châu đầu vào đọc
say mê, đọc xong hay quá tới hồi tiếp theo thì hết tiền, đành ra hiệu sách mà
ngó tập tiếp theo nhìn mà thèm thuồng. Những ngày tháng đó sách và truyện đối
với chúng tôi sao mà quý thế.
(Bây giờ trẻ em có mua sách mua truyện đọc đâu, vì có TV cab và Truyền hình chảo Vệ Tinh vừa có hình ảnh đọc cho nghe và cho nhìn rồi. Cha mẹ có cho tiền thì cũng đi Internet chơi geme đấu chưỡng vù vù, chém nhau chan chát cơ).
(Bây giờ trẻ em có mua sách mua truyện đọc đâu, vì có TV cab và Truyền hình chảo Vệ Tinh vừa có hình ảnh đọc cho nghe và cho nhìn rồi. Cha mẹ có cho tiền thì cũng đi Internet chơi geme đấu chưỡng vù vù, chém nhau chan chát cơ).
Khi không còn
truyện để đọc chúng tôi rủ nhau chơi khăng, chơi con quay (sảng), đánh
đáo lỗ, món này tôi chơi mả lắm (giỏi:
tiếng lóng của trẻ con) thường ăn hết xèng (Quân đáo) là nắp chai nước ngọt
dập dẹt của mấy bạn, tôi thắng được một túi cặp da to, đem treo dấu vào gầm
giường cho Mẹ không biết. Vì Mẹ không cho mê say đánh đáo đâu, mê đáo mà bỏ bài
không học, Mẹ tôi mà biết thì đảm bảo là đít đầy lươn to (Là những lằn đánh bằng roi). Tuổi thơ chúng tôi ngày ấy vất vả cực
khổ lắm chẳng kể hết đâu, nước ta những năm tháng đó đâu đâu cũng thế cả thôi
mà.
Nhưng chúng
tôi không sinh tật hư, rất ngoan và rất hiếu nghĩa với cha mẹ, chăm phụ việc
nhà. Vì cha mẹ còn phải đi làm vất vả lương cán bộ ta ngày ấy chì từ 40 – 60 VN
đồng một tháng. còn chúng tôi đi học thì rất vâng lời Thầy Cô bảo đi đông thì
chẳng dám đi tây, dỡn phá nghịch thì cũng có mức độ không quá quắt, để Thầy cô
phải xử, phải phạt. Ăn nói thưa gởi rất lễ phép, Bây giờ tôi có vào xem mấy
trang Website của học trò Hà Giang xem mấy trang diễn dàn tuổi thơ ngây thấy
văn từ …của các viết mà sợ quá phải thoát vội ra, mà kêu trời ơi Bác chẳng
dám đọc nữa đâu
18. Học trò lên Tiên cảnh
Trong cái cực những
ngày đi học cũng có cái vui, khi mùa xuân và mùa thu đến trời không còn lạnh
giá chúng tôi cũng biết tự tạo thú vui. Mang theo cơm nắm muối vừng, chúng tôi
ra rừng Tiên cảnh (Tên do chúng tôi tự
đặt, ai ngờ cái tên rừng Tiên, Suối Tiên ấy ngày nay lại trở thành sự thực).
Ra rừng nước ở
phía sau trường chúng tôi chặt cây nhỏ, dùng dây rừng buộc vào các thân cây to
tạo những sàn gỗ trên mặt nước, bày cơm nắm ra, rồi đi bắt cá, cua rừng nướng
ăn, trong tiếng gió vi vút của núi cao, dưới là suối chảy róc rách.Nằm ngữa
trên sàn gỗ ngó mây trời, ngắm xuống dưới thị xã nhìn phong cảnh thấy đẹp biết
bao, chúng tôi những lúc đó thành Tiên trên núi, không làm thần Đèn, thần Đồng
gì nữa. Bây giờ nghe nói có một doanh nhân làm khu du lịch Suối Tiên lớn lắm,
có tái hiện cả những cảnh “Thần tiên trên núi” để hưởng vui thú.
Những khách
thập phương tới thưởng ngoạn mà họ cho là Tiên cảnh trần gian. Những thú vui ấy
ngày đó với chúng tôi đều là mỗi ngày và quá đỗi bình thường, có khác chăng là
ngày nay họ đến bằng xe hơi và trên
những sàn gỗ có nhiều sơn hào hải vị mà thôi. Có một lần trên núi cao giờ ra
chơi chúng tôi được nhìn thấy cảnh máy bay của không quân ta, quần nhau với máy
bay giặc Mỹ trên bầu trời phía nam thị xã, chúng tôi nhận ra hình dáng máy bay
Mic (đầu bằng) của ta rượt đuổi máy bay F115 (mỏ nhọn) của Mỹ.
Chúng tôi tụ
tập lại reo hò thật to cổ vũ các chú Phi Công cố lên, các chú cố lên, bắn đi,
bắn cháy nó đi. Trò nào, trò nấy cũng như bay bổng theo, hả hê sung sướng lắm,
các lớp chúng tôi túa hết ra, cùng hợp giọng mà đồng thanh la cực lớn vang cả
núi rừng.
Đúng là trẻ
thơ cứ nghĩ các chú Phi Công của ta nghe được như là cổ vũ cầu thủ trên sân đá
banh vậy. các Thầy Cô thấy thế hoảng hồn từ phòng nghỉ Hiệu Bộ dưới núi phi lên
dẹp loạn reo hò ấy, bắt phân tán tản ra mà xem không cho tụ tập reo hò như vậy
tránh bị lộ và khi có sự cố thì không có thương vong lớn.
Cuộc chiến nào
cũng vậy giặc càng gần thua thì quẫy càng mạnh. Những ngày tháng đó là đỉnh
điểm của cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc của giặc Mỹ lần thứ nhất. Hôm chúng
tôi xem cảnh thực máy bay ta đánh địch trên không đó là ngày mà máy bay Mỹ ném
bom đánh phá cầu Vĩnh Tuy, Cầu Ngần của tỉnh Hà Giang.
Thế là gió lửa
chiến tranh đã lan dần tới Thị xã Hà Giang yên bình thơ mộng. Và hình như sau
trận chiến đấu trên không ấy và trận 7 tên biệt kích tình báo cũa ngụy nhẩy dù
xuống Bắc Quang bị quân và dân ta bủa vây bắt gọn thì giặc Mỹ đã phải từ bỏ kế
hoạch chiến dịch ném bom thị xã Hà Giang. Chúng tôi lại yên bình học tập và vui
chơi hưởng thụ vui thú Thần Tiên trên núi, rồi dần lớn lên hơn từ tri thức đến
cả vóc dáng lẫn tinh thần trên quê hương Hà Giang thân yêu.
19. Lại phải làm Thần đèn
1966 – 1967
chính phủ ta hội nghị Paris cũng đang dần thắng lợi, Mỹ vẫn còn đánh phá Miền
Bắc, Chỉ vùng khu IV còn tiếng bom rơi đạn nổ, khu III tạm yên ắng. Hết năm lớp
sáu vì học trên núi quá xa, quá vất vả và bất tiện cho thầy trò, Chúng tôi lại
chuyển trường xuống núi. Hai cơ sở trước bị dòng sông Lô chia cắt. Nay Cấp II
chúng tôi lại được tụ hợp về với nhau. Nhưng không dời về trường cũ vì sợ cuộc
chiến sẽ ác liệt hơn sảy ra
Hình Minh họa: Trường LHP dời về Điểm số 3 Cạnh sông Miện
số 1 là trường Ngọc Đường và số 2 là Trường Suối tiên)
|
Lần chuyển trường
này chúng tôi lại về đất bằng, cánh đồng mía bạt ngàn của Hợp tác xã Ngọc Đường
bên bờ sông Miện (Số 3 Trên Bản Đồ) ở
cây số một đường đi Ngọc Đường được chọn làm điạ điểm dựng trường. Nhưng mà là
trường ngầm các lớp học chỉ nhô mái lá lên trên mặt đất.
Chúng tôi phải
đào nhiều hầm to và sâu hơn đầu người, đủ rộng đưa bàn ghế xuống để ngồi dưới
mặt đất mà học, xung quanh còn phải đào thêm giao thông hào tỏa ra tứ phía, để
chạy phân tán ra, lúc có máy bay ném bom không bị thương vong lớn, trên đường
giao thông hào lại đào tiếp các nhánh hào xương cá, có nối thêm với nhiều hầm
chử A tránh bom.
Một khối lượng
đất đá cực lớn theo các đôi tay của những học trò bé nhỏ, với chỉ là cuốc xẻng
đào đắp thủ công trên các vùng đồi ven sông Miện, dần dà cũng biến vùng đó
thành một trường học ngầm giống như trường các bạn ở miền xuôi “Trông xa thì
chẳng thấy đâu” vì chúng tôi trồng cây ngụy trang kín lắm, chỉ khi nghe tiếng
hát, tiếng đọc bài, mới hay đó là trường học.
Hình minh họa học trò LHP bên dòng Sông Miện 1967 |
Thầy trò chúng
tôi cũng kết hợp văn hóa văn nghệ, biểu diễn liên hoan, có lần còn được xem phim
quân dân ta đánh giặc trong Miền Nam và cuộc chiến với máy bay tàu chiến Mỹ ở
Miền Bắc do nhà phim của tỉnh tới trường chiếu phục vụ. Nhiều ấn tượng và nhiều
những kỷ niệm được in đậm sâu sắc hơn, là cũng nhờ có thêm dòng sông Miện cạnh
trường nước rất trong xanh, không bao giờ đỏ đục phù xa như sông Lô có nguồn từ
Côn Minh Trung Quốc chảy sang Việt Nam.
Nước sông Miện
mát lạnh quanh năm vì nó khởi nguồn và chảy trên cao nguyên đá Đồng Văn vào tới
đầu địa phận của Thành Phố Hà Giang nhập với dòng chảy của Sông Lô đỏ đục phù
xa, làm thành một khúc sông hai dòng riêng biệt bên đục bên trong rất đep và
rất ấn tượng, bên Tây nước đục mà ấm bên Đông nước trong nhưng lạnh, chỉ khi
gặp một gềnh sông (Thác Bà Chấp) chúng mới hòa hai dòng vào nhau rồi lững lờ
dòng xuôi vào thành phố.
Sông Miện lòng
sông không sâu, tốc độ dòng chảy nhẹ nhàng, cũng có thác, nhưng thác nhỏ và
hiền không nguy hiểm, dưới làn nước trong xanh nhìn thấy cả cá lội, sỏi đá ở
lòng sông Miện tròn không sắc nhọn đi trong nước rất dễ chịu. Khi tắm nước sông
lạnh xong lên bờ nằm trùi mình trong cát ấm, hay ngả lưng trên bãi sỏi nhuyễn,
cảm thú thích không thể tả nổi. Cảnh Sông Miện đẹp lắm, chúng tôi hay chặt
chuối rừng kết bè, rồi xuôi theo dòng
nước, vừa tắm vừa hưởng thụ thú vui Thủy Tiên (Tiên nước), Mà mãi cho tới bây
giờ du lịch Hà Giang phát triển thì bao nhiêu du khách mới được trải nghiệm
hưởng thụ..
Sông Miện - Dòng sông mềm mại ngọt ngào chảy giữa cao nguyên đá |
Sau này đi xa
hay nhớ về hình ảnh kỷ niệm với con sông những ngày còn học cấp 2 trường Ngọc
Đường ngôi trường bên dòng sông Miện, mới thấy hết ý nghĩa bài “Khúc hát sông
quê” (Thơ Lê Huy Mâu - Nhạc Nguyễn trọng Tạo). ca về con sông quê hương. Tiếng
hát làm cho lạnh đến chạnh lòng trong tâm can khi nghe.
“Quá nửa đời phiêu dạt
Con lại về úp mặt vào sông quê
ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn ...”
20. Bồi hồi qua trường cũ
Năm tháng cứ dần
trôi chúng tôi cũng dần trưởng thành hết thời thơ rồi sang thời niên thiếu học
trò lúc nào không hay. Cấp III rồi… lại thêm một lần dời trường về rừng sâu trong
Cầu Phát, Lại những ngày làm trường mới, nhưng bây giờ chúng tôi đã lớn, đã
quen với gian khổ, quen với dựng nhà, lợp mái lá cọ, lá xóa, chẻ vầu, đan nứa,
làm tường Toóc xi cũng sành sỏi nghề hơn.
Nên cũng không
kể chi tiết như lúc trước nữa. Nơi sơ tán Trường LHP ở trước trường chúng cũng
có dòng suối nhỏ, tuy không to như dòng sông Miện nhưng nó cũng rất trong xanh,
cũng rất mát lạnh, nguồn chảy từ trong núi ra. Sau lưng trường là núi Mỏ Neo có
vách đá cao dựng đứng 90 độ màu trắng đẹp lắm.
Lên cấp III
năm 1967 cung đường đi học bây giờ lại xoay ngược từ hướng Bắc về hướng Nam thị
xã, Bây giờ đi học ngày nào chúng tôi cũng đi qua cổng trường cũ. Cổng trường
vẫn đứng đó lặng lẽ nhìn chúng tôi đi qua, vẫn dang rộng đôi cánh cổng như muốn
mời gọi chúng tôi bước vào.
Chúng tôi cũng
thèm thuồng được bước vào lắm, nhưng vẫn phải đi qua, vì nỗi truân chuyên của
cổng trường và Thầy Trò chúng tôi vẫn còn bị bọn giặc Mỹ dã man ngăn cách, mái
trường vẫn còn ở trong rừng phương xa, để che chở cho chúng tôi tránh mưa bom
bão đạn.
Chúng tôi và
ngôi trường cũng như cả nước ta vẫn còn đang chờ một trận sống mái với kẻ thù,
trận này cũng sắp sảy ra rồi. Sẽ căng thẳng ác liệt nhưng toàn dân ta đều có
niềm tin tất thắng. Riêng khóa chúng tôi năm 1970 tốt nghiệp nên chúng tôi
không bao giờ còn đi vào cổng trường với màu áo học trò LHP nữa, sau này có dịp
trở lại cũng chỉ là màu áo của cựu học trò LHP mà thôi.
Nhắc lại: Hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ ra miền Bắc (lần thứ nhất từ 5/8/1964 đến 1/11/1968, lần thứ hai từ 6/4/1972 đến 15/1/1973)…
21. Tấm áo Cu Ba
Thời gian này
trường cấp II lúc đó cũng chuyển về trong khe núi suối ông Cáng. Còn Ty Giáo
Dục tỉnh và cấp III chúng tôi cũng chuyển trường vào chân núi Mỏ Neo trên cùng
đường đi vào xã Phú Linh – Kim Thạch. Cấp II và III cùng đi học chung một trục
đường, sáng sáng chúng tôi lại râm ran, ríu rít, tung tăng tới trường.
Con đường ngày
ấy thấy vui hơn vì đường đông học trò, không giống như những con đường lúc
trước trường LHPcòn chia ba xẻ bẩy làm nhiều nơi. Qua khỏi năm 1968 Mỹ tạm
ngưng ném bom và con đường đi học như cũng vui hơn, màu áo học trò cũng khoe
sắc hơn, thậm chí buổi sáng học trò đi học trông còn giống như trẻ em bên nước
ngoài, ấy là vì tiếng tăm Việt Nam thắng Mỹ đã lan tỏa trên toàn thế giới, các
nước ủng hộ Việt Nam và bài xích Đế Quốc Mỹ.
Liên Xô và
Trung Quốc giúp viện trợ nhân lực, vũ khí khí tài quân sự. Ở những nơi xa xôi
cả nửa vòng trái đất như đất nước Cu Ba cũng ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ. Trẻ Em Cu
Ba cũng thế, quyên góp rất nhiều đồ dùng học tập và quần áo gởi sang Việt Nam,
Chúng tôi mỗi người được tặng một bộ quần áo ngoại thích lắm, chất liệu vải và
kiểu cách cũng hơn và khác hẳn Mode trang phục trẻ em ta.
Trong túi áo
quần còn có cả thư gởi cho chúng tôi nữa, cũng đại ý nói là khâm phục các bạn
học trò chúng tôi, trong bom rơi, đạn nổ ác liệt còn đi học nghĩa là đã thắng
Mỹ rồi, rồi mong cùng nhau thi đua học tập, Mỹ thua Việt Nam là thua ngay từ cả
trẻ em Việt Nam anh hùng.
Chúng tôi mang
quần áo các bạn Quốc Tế về nhờ Mẹ sửa lại cho vừa thế là diện đi học, thôi thì
đủ kiểu đủ màu sắc trông cũng lạ mắt lắm. Thế là lại nói câu chân ngôn nhưng có
sửa lại cho vui mới đúng nghĩa của giai đoạn này, “Già được bát canh, trẻ được manh áo…Cu Ba” những bộ quần áo nghĩa
tình, những đồ dùng học tập ấy đã làm ấm lòng chúng tôi cả về thể xác lẫn tâm
hồn, cảm ơn các bạn thiếu nhi trên thế giới ngày ấy, nhất là các ban Cu Ba nhé.
Ngày ấy nhà trường
cũng phát động phong trào thư gởi bạn phương xa chúng tôi cũng viết để nhà
trường gởi đi, (Không biết thư đi tới đâu
và các bạn ấy có đọc được tiếng Viêt không) nhưng cũng nhờ vậy mà tự với lòng
chúng đã cố gắng nhiều hơn để chứng tỏ mình… cho các bạn ấy thấy là chúng tôi
sẽ làm được và nhất định thắng Mỹ bằng cố gắng học dù trong mưa bom, vẫn kiên
cường vẫn đạt những kết quả học tâp tu dưỡng tốt nhất trong cuộc đời học sinh.
Hinh minh họa nơi trường LHP sơ tán |
Hình minh họa suối và đương đi nơi trường LHP sơ tán (Chụp 5 – 4 2013) |
22. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba Học trò
Học trò ở tuổi
mới lớn cũng có những thi vị hơn, nhìn nhau cũng đã thấy khang khác hay bàn luận
những ai đẹp, ai dễ thương mà không thương dễ. Những cái tên bạn bè về những
ngày sau đã hằn sâu trong tâm trí không thể nào quên, những tên húy thì quá
nhiều để bàn luận, thậm chí cả những cái tên không phải là húy mà các bạn người
dân tộc khó đọc đến trẹo cả miệng, thế mà sắp lại nghe cũng hay hay như: Tông,
Huých, Bướm, Vồ, Bụi, Bét…
Năm cấp III
trường LHP đón nhận thêm rất nhiều các bạn miền xuôi lên đây “Học nhờ”. Những “Cô gái” học trò Hà Nội
là lạ ai cũng học giỏi, chữ thì đẹp như người, giọng nói thì thanh nhẹ, nói
nghe mà cứ lìm lịm, các bạn Khu IV cũng "bôn ba" lên tới đây nói nghe
cứ như chim.
Các bạn khu IV
lên tới đây học là vì vùng của họ ở nơi đầu sóng ngọn gió của con thuyền chiến
tranh, mức độ bom đạn ác liệt, không còn một ngôi nhà trên các thành phố làng
mạc, mất mát hy sinh trong chiến tranh phá hoại cực kỳ tàn khốc. Rồi các bạn
người dân tộc các huyện học hết cấp 2 cũng về học. Những năm đó cả tỉnh Hà
Giang chỉ có cấp III ở thị xã.
Chúng tôi ngoài
giờ học và lao động thường leo lên núi Mỏ Neo tìm hái trái cây, đào củ rừng
nhiều loại ăn rất ngon. Là gốc dân Hà Giang thể lực rất mạnh mẽ, sức dẻo dai
thường giúp nhũng bạn “học trò mới” còn
rất “ngố” về rừng núi, nên thường hay
có dịp Ga - lăng những bạn miền xuôi trong các dịp lao động sửa chữa hay làm
thêm lớp trường.
Nhưng cũng vẫn
câu chân ngôn “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học
trò” những trò phá nghịch của có phần tinh vi hơn lúc còn nhỏ. Cũng vào
rừng lấy vầu gỗ về làm trường giống như lúc còn mới học cấp II, chúng tôi đã
quen với những mối nguy hiểm trong rừng, các bạn miền xuôi lên đây học, trong
lúc còn ngỡ ngàng với bao nỗi sợ, trong rừng luôn nghe các bạn ấy la í oái,
trời ơi, sợ ghê, khiếp quá …
Bạn đã nghe dân
miền núi nói “Đồ ngố rừng” bao giờ chưa, rất khó giải thích “Ngố rừng” là gì
nhỉ, sau này người ta hay dùng từ này để mắng mấy người dân tộc về miền xuôi lớ
ngớ. Tự điển Việt không giải thích từ này đáng lẽ ra phải mắng là “Đồ ngố xuôi”
mới đúng nghĩa chứ nhỉ (Mim Mím cười...
mắng thế thì chả thuận miệng tí nào).
Mấy “Ngố rừng”
miền xuôi không sợ bom đạn đâu, thế mà đi lấy vầu gỗ lại sợ vắt, rắn, rết, ong,
sâu… lại còn bị chúng tôi tô vẽ thêm để dọa ma giả hổ, không kể chi tiết dọa
như thế nào, nhưng chúng tôi có cách làm cho mấy “Ngố” ấy chạy có cờ, à mà
không phải nói là chạy giống như bị ma vầu đuổi chúng tôi ngày xưa ấy thì mới
đúng. Khi mấy “Ngố rừng” biết được chúng tôi phá “Ma rừng, Cọp núi” thế là
chúng tôi bị chửi quá trời, dọa về méc thầy cô, phải năn nỉ mãi mấy “Ngố” ấy
mới tha.
Vậy mà có ngán
đâu, lúc trộn bùn với rơm làm vật liệu trét tường Toóc xi che gió mưa (Lúc này chúng tôi làm trường “Hiện đại” hơn ở
trên núi có tường che lớp học). Trời thì gió bấc mưa phùn lạnh thấu xương,
nhìn mấy em gái sắn quần lên cao cao, tới tận … vì sợ dơ quần áo, đôi bàn chân
với cặp bắp giò thon thon trắng chỉ quen đi đường nhựa, chống chỉ định lội bùn
đấy nhé.
Thế mà nay
phải nhún, nhún, đạp, đạp tạo bùn, sao mà trông giống như nhảy đầm trong Vũ
Trường bây giờ. Nhưng khác nhau là
chẳng thấy mấy em la hô, hô, hây, hây như trong Vũ Trường mà lại nghe xụt sịt,
mắt thì ngân ngấn lệ, mặt lại còn nhăn nhăn nữa, chắc là đang đau đớn khổ sở
lắm.
Mấy học trò
chân sắt, giời đánh không què chúng tôi không biết thương hoa tiếc ngọc, không
giúp bạn tạo bùn, mà còn lén lấy bùn chọi lén, mà lại còn chọi vào mấy chỗ cao
cao nữa chứ. Mấy “con ma học trò” chỉ dược cái đánh đáo giỏi còn trổ tài lén
thi nhau mà lại chọi lại “mả” (chọi đâu
trúng đó) nữa chứ, mấy bạn nữ có chửi cũng chẳng biết ai (Chọi lén mà, sao biết ai mà chửi …).
Hậu quả của trò đùa dã man ấy là
các bạn nữ phải ra con suối trước trường lau gột bùn dơ, mấy “Con ma học trò”
lại được dịp núp lùm dòm lén tấm thân trinh nữ. về sau cho tới tận bây giờ nghĩ
lại thấy hối hận quá trời, mong rằng các bạn “Cụ bà” cùng thời ấy, lỡ đọc được
nhũng dòng “thú tội” này xin tha thứ cho nhé.
Nếu mà không
tha thứ thì “Thứ ba đâu còn là ma học trò nữa” cũng không sợ mấy em mấy cháu
bây giờ học theo đâu, vì bây giờ con cháu mình sung xướng rồi, còn ở nơi đâu
làm tường Toóc xi nữa, trường học bây giờ các bác thợ nề nhà thầu xây cho cả
rồi.
23. Niên khóa cuối cùng
Niên khóa cuối
cùng. Vào tháng 9 - 1969 tin Bác Hồ ra đi mãi mãi, Trường tổ chức lễ tang Bác
ngày đó mây giăng trắng mờ hết đỉnh núi Mỏ Neo trông như núi cũng đeo đại tang
trắng vậy, Trong khí kạnh và mưa sụt sùi của thời tiết chớm Đông.
Thầy trò chúng
tôi cũng đeo tang và làm lễ tang cho Bác, khi tiếng nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” của
cây đàn Violon do một thầy giáo kéo cất lên, cả trường chúng tôi lúc đầu là
những tiếng sụt sùi rấm rứt, rồi như sóng vỡ bờ bật òa khóc, kể cả thầy giáo
đọc diễn văn truy điệu cũng đọc không nổi, cả trường cùng nhau khóc, nước mắt
đẫm đìa, mặc cho thời khắc của một phút mặc niệm đã trôi xa.
Rồi từ đó
chúng tôi học trong không khí man mác buồn vì Bác mất và nữa là chúng tôi sắp
xa nhau rồi, những kỷ niệm của học trò thật vất vả gian truân, những năm tháng không
thể nào quên đang gói dần lại làm hành trang chuẩn bị vào đời.
Chúng tôi vẫn
đi học trên con đường xưa vẫn qua qua cổng trường LHP (đường Nguyễn Văn Cừ - bây giờ). Cánh cổng trường vẫn dang rộng chờ
chào đón những bước chân của học trò đi qua, sân trường vẫn cột cờ đó nhưng không
có lá cờ bay.
Trong khuôn
viên trường đã mọc lên những bụi cây sim, những chùm hoa và trái sim tím đung đưa
trong gió sớm mai như muốn mời gọi các bạn tới đây mà tô làn môi tím học trò (Khi
ăn trái sin tím chín vị ngọt chát và thanh, sau ăn môi có màu tím rất đẹp).
Không gian
trong trường vắng lặng không có những âm thanh của học trò, những hàng phượng
vĩ năm xưa chúng tôi trồng, nay cũng đã lớn cao, hoa phượng đã đây đó đã tung
những sắc lửa đỏ lên trên những tàng cây xanh thắm, lũ ve cũng bắt đầu kêu râm
ran.
Chúng tôi ai
cũng thầm ước hoa phượng ơi đừng nở, ve ơi đừng kêu, chúng tôi không mong có
mùa hè này đâu, không mong thầy trò chúng tôi không phải xa nhau. Nhưng sao mà
được cơ chứ, ngoài kia chiến trường đang vẫy gọi, đang cần những học trò, đã
được “Lửa thử vàng gian nan thử sức" Trưởng thành trong vất vả gian truân
"Gạo giã song rồi trắng tựa bông”
Chúng tôi phải
dấn thân bước vào vòng binh lửa, đem Tự Do Độc Lập về cho tổ quốc, chúng tôi
phải ra đi để ngăn bom mỹ không dội xuống các em tôi. Ra đi theo lời của Bác Hồ
“Tiến lên chiến sĩ đồng bào Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” Việt Nam ta nổi
tiếng là đất nước anh hùng trên thế giới, Việt nam ra ngõ là gặp anh hùng, biết
bao những anh hùng, những “Cờ lau tập
trận” của đất nước có cội nguồn của những ngày tháng tuổi thơ đầy gian
truân cực khổ đã tạo lên những trang sử vàng vẻ vang cho dân tộc Việt.
24. Bức thư tâm huyết
Bây giờ đất nước
mình đã “Xây dựng gấp mười ngày nay” học
sinh đi học đã xe đưa xe đón, trường lớp xây khang trang, thiết bị dậy học đã
đầy đủ hiện đại, Tác giả muốn nhắn nhủ các em, các cháu thế hệ bây giờ, thuận lợi
thế hãy ráng học hành, chăm ngoan trở thành trò giỏi.
Tuổi thơ học
trò là trang giấy trắng hãy vẽ vào trang giấy những hình ảnh đẹp nhất, chỉ có
một trang thôi hãy đừng làm dơ nó. Mai này giã từ mái trường vào đời với hành
trang kiến thức của Thầy Cô trao tặng, cùng lòng nhiệt huyết và một tâm hồn
không một “tỳ vết” để tới phương trời xa.
Không phải
trăn trở những ngày tháng đã hoài phí, hãy để trong tâm trí những năm tháng
tuổi thơ học trò đẹp nhất trong cuộc đời. Tâm huyết cả một thế hệ đi trước đều
mong các em hãy rèn luyện trong lửa hồng “Lửa
thử vàng gian nan thử sức”. để trưởng thành “Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”
Tác giả không làm
được thơ, nhưng có Liệt sĩ Trần Duy Chiến trong chiến đấu diệt quân Pôn pốt ở
chiến trường Miền tây (Campuchia) anh hy sinh năm 1980, trước khi từ giã cõi đời
chỉ còn những hơi thở cuối cùng Anh đã viết những dòng thơ tha thiết nhắn gởi thế
hệ học trò ngày nay hãy…
Tập thơ và
cuốn nhật ký của anh được nhà thơ Phạm Tiến Duật viết lời bạt và gọi đó là: Tặng phẩm quý giá của một thời lịch sử. Xin
thay mặt thế hệ cha anh, các anh hùng liệt sĩ đất Việt gởi “Tặng phẩm quý giá” này cho thế hệ học trò ngày nay và cũng
là những dòng kết cho những trang chuyện gian truân của thầy trò và mái trường
LHP của tác giả.
Trích trong Tập thơ tây viễn trinh của liệt
sĩ Trần Duy Chiến
Sáng tác 16-7-1980
Réo gọi
Réo gọi
Tôi réo gọi từng lời trong nhịp thở
Trả lại đây ngày ấy còn thơ
Tuổi rong chơi tôi lỡ lầm đánh mất
Tiếc thương sao cho mãi đến bây giờ
Trả lại đây áo học trò trong trắng
Bên bạn, bên thầy, bên tấm bảng đen
Hè vội đến ve sầu gọi nắng
Tiếng chia ly phượng nở đỏ sân trường
Trả lại đây dòng sông bao mến thương
Với cây đa che bóng bên đường
Buổi đi học về vui mải đánh bi
Quên cả cơm trưa mẹ phải đi tìm
Trả lại tôi tiếng cười vô tư ấy
Không vướng buồn khi nhìn dải mây bay
Mùa xuân đến mẹ may áo mới
Lỡ một lần đánh mất tuổi thơ
Ôi thời gian xin một lần dừng lại
Quay ngược về chốn cũ xa xưa
Ôi nàng tiên huyền diệu ngày xưa
Cho tôi trở lại tuổi thời niên thiếu.
Trả lại đây ngày ấy còn thơ
Tuổi rong chơi tôi lỡ lầm đánh mất
Tiếc thương sao cho mãi đến bây giờ
Trả lại đây áo học trò trong trắng
Bên bạn, bên thầy, bên tấm bảng đen
Hè vội đến ve sầu gọi nắng
Tiếng chia ly phượng nở đỏ sân trường
Trả lại đây dòng sông bao mến thương
Với cây đa che bóng bên đường
Buổi đi học về vui mải đánh bi
Quên cả cơm trưa mẹ phải đi tìm
Trả lại tôi tiếng cười vô tư ấy
Không vướng buồn khi nhìn dải mây bay
Mùa xuân đến mẹ may áo mới
Lỡ một lần đánh mất tuổi thơ
Ôi thời gian xin một lần dừng lại
Quay ngược về chốn cũ xa xưa
Ôi nàng tiên huyền diệu ngày xưa
Cho tôi trở lại tuổi thời niên thiếu.
Đức Minh HG
Thành Phố Hồ Chí Minh
Ngày 19/5/2013
Thành Phố Hồ Chí Minh
Ngày 19/5/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét